Nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2024 và đưa ra những giải pháp đồng bộ, sát thực, để đạt được mục tiêu đề ra, sáng ngày 19/8/2024, tại Tòa nhà Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật (KHKT) TP.Hồ Chí Minh, Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP.Hồ Chí Minh, tổ chức sinh hoạt khoa học báo cáo chuyên đề Tình hình kinh tế xã hội TP.Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2024 và triển vọng. Tham dự có đại diện Liên hiệp các Hội KHKT TP.Hồ Chí Minh, các nhà quản lý kinh tế, các hội viên Hội khoa học kinh tế và quản lý TP.Hồ Chí Minh.
Tổ chức sinh hoạt khoa học báo cáo chuyên đề
Chuyển biến tích cực
Tại buổi toạ đàm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP.Hồ Chí Minh, Tiến sĩ khoa học (TSKH) Trần Quang Thắng, cho biết: Trong 7 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế – xã hội của TP. Hồ Chí Minh, đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Tăng trưởng kinh tế: GRDP của thành phố tăng 6,54% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành công nghiệp và xây dựng tăng 5,66%, trong đó công nghiệp tăng 5,37%, xây dựng tăng 7,92%; khu vực dịch vụ tăng 7,34%, với ngành vận tải kho bãi tăng 16,24%, dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 6,92%.
Tổng vốn đầu tư công đã giải ngân đạt 5.566 tỷ đồng, tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp thành lập mới ước đạt 12.433 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký mới khoảng 106.127 tỷ đồng, tăng 12,01% về số lượng và tăng 8,47% về vốn đăng ký. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều duy trì mức tăng trưởng ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế của thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thành phố vẫn đối mặt với nhiều vấn đề, như: hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ, ùn tắc giao thông, triều cường, ngập úng, ô nhiễm môi trường. Các yếu tố thuận lợi và khó khăn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2024.
Tiến sĩ khoa học Trần Quang Thắng trình bày đề
Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc
- Chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các ngành kinh tế, phát triển các dịch vụ số và thương mại điện tử. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ xanh, phát triển năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
- Xây dựng các động lực tăng trưởng mới: Đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, blockchain, internet vạn vật (IoT); Phát triển hệ thống logistics hiện đại và nâng cấp hạ tầng giao thông để tăng cường khả năng kết nối và giảm chi phí vận chuyển.
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Đầu tư vào giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại số; Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng các mô hình đào tạo tiên tiến.
- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào R&D để nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo. Tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp như TECHFEST, Startup Wheel để tìm kiếm và hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo.
- Cải thiện môi trường kinh doanh: Rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Cung cấp các gói ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên.
- Tăng cường hợp tác quốc tế và xúc tiến đầu tư: Đẩy mạnh việc ký kết các thỏa thuận hợp tác kinh tế với các quốc gia và tổ chức quốc tế; Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ.
- Phát triển hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ: Quy hoạch và phát triển hệ thống cảng biển, cảng sông, cơ sở hạ tầng logistics để tăng cường khả năng kết nối, giảm chi phí vận chuyển; Phát triển các khu công nghiệp theo mô hình sinh thái để thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến phát triển bền vững.
- Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ xanh, phát triển năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Trong số các nhiệm vụ đã đề ra, thúc đẩy giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ khó thực hiện nhất. Để vượt qua những thách thức này, Thành phố cần có sự quyết tâm và nỗ lực lớn từ tất cả các bên liên quan, từ việc cải cách thủ tục hành chính, tăng cường nguồn lực, đến việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý và nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát.
PGS>TS Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi toạ đàm
Theo TSKH Trần Quang Thắng: Để đưa mục tiêu và kết quả trở thành hiện thực, Thành phố cần giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần vào phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và mở rộng thị trường, thu hút đầu tư từ các quốc gia, tổ chức quốc tế, đảm bảo sự ổn định của các yếu tố kinh tế vĩ mô, như: lạm phát, tỷ giá hối đoái, lãi suất. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông: xây dựng các tuyến đường mới, cải thiện hệ thống giao thông công cộng và phát triển mạng lưới viễn thông hiện đại, năng lượng, công nghệ thông tin, để hỗ trợ sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tổ chức nghiên cứu phát triển công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, giúp nâng cao năng suất và cạnh tranh của nền kinh tế. Đầu tư vào giáo dục và đào tạo, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện hệ thống giáo dục, đào tạo nghề, khuyến khích học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, áp dụng các công nghệ xanh, quản lý tài nguyên hiệu quả, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển. Điều này bao gồm việc cải thiện môi trường kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính, và cung cấp các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.
Minh Tâm (theo https://vietnameuropa.eu/)