Thông cáo báo chí Kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2023
1. Một số thông tin chung về Khảo sát mức sống dân cư năm 2023
Khảo sát mức sống dân cư năm 2023 (viết gọn là KSMS 2023) được tiến hành theo Quyết định số 273/QĐ-TCTK ngày 07 tháng 3 năm 2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. KSMS 2023 là điều tra mẫu thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia được thực hiện nhằm mục đích thu thập thông tin làm căn cứ đánh giá mức sống, đánh giá tình trạng nghèo đói và phân hóa giàu nghèo, giám sát và đánh giá một số chương trình mục tiêu quốc gia.
KSMS 2023 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Các thông tin được thu thập trong KSMS 2023 gồm: thu nhập, nhân khẩu học, giáo dục, y tế, việc làm, đồ dùng lâu bền, nhà ở, điện, nước, điều kiện vệ sinh và một số thông tin về tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông.
2. Một số kết quả KSMS 2023
(1) Thu nhập bình quân
Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2023 theo giá hiện hành đạt 4,96 triệu đồng, tăng 6,2% so với năm 2022. Năm 2023 tuy tình hình kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thương mại toàn cầu suy giảm, bất ổn của tình hình kinh tế – chính trị trên thế giới vẫn tiếp diễn. Trong điều kiện bất lợi đó, kinh tế và tình hình đời sống dân cư tiếp tục cải thiện và duy trì đà tăng so với năm 2022 tuy nhiên tốc độ tăng thu nhập bình quân năm 2023 so với năm 2022 có chậm lại so với tốc độ tăng thu nhập năm 2022 so với năm 2021 (11,2%) do nền kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn để khắc phục hậu quả sau đại dịch.
Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2023 ở khu vực thành thị đạt 6,26 triệu đồng, cao gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn (4,17 triệu đồng).
Trong năm 2023, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng cao nhất (6,52 triệu đồng). Vùng có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (3,44 triệu đồng).
Hình 01. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chia theo thành thị nông thôn
Đơn vị tính: 1000 đồng
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư
Nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số có thu nhập cao nhất – nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 10,86 triệu đồng cao gấp 7,5 lần so với nhóm hộ có thu nhập thấp nhất (nhóm gồm 20% dân số có thu nhập thấp nhất – nhóm 1) với thu nhập bình quân đạt 1,45 triệu đồng/người/tháng.
Cơ cấu thu nhập đang chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ hơn. Các khoản thu từ tiền công, tiền lương vẫn giữ tỷ trọng cao trong thu nhập của dân cư, tăng từ 51,1% năm 2018 và duy trì ở mức trên 55% trong các năm từ 2020 đến 2023. Ngược lại, tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng ngày càng giảm, từ 13,3% năm 2018 xuống còn 10,2% năm 2023.
Hình 02. Cơ cấu thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chia theo nguồn thu
Đơn vị tính: %
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư
(2) Quy mô hộ gia đình
Năm 2023, nhân khẩu bình quân 1 hộ là 3,6 người/hộ, số người trong độ tuổi lao động bình quân 1 hộ là 2,1 người. Trong giai đoạn 2018-2023, quy mô hộ và số người trong độ tuổi lao động bình quân 1 hộ năm 2020 giảm nhẹ so với năm 2019 và giữ ổn định từ năm 2020 đến nay. Tỷ lệ phụ thuộc duy trì ổn định từ năm 2018 đến năm 2020 và tăng từ 0,69 năm 2020 lên 0,73 năm 2023. Quy mô hộ ở khu vực thành thị và nông thôn không có sự khác biệt với 3,5 người/hộ ở khu vực thành thị và 3,6 người/hộ ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ thuộc[1] ở khu vực nông thôn cao hơn so với khu vực thành thị (0,76 so với 0,69).
Hình 03. Số nhân khẩu, số người trong tuổi lao động và tỷ lệ phụ thuộc bình quân một hộ
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư
(3) Nhà ở và điều kiện sống
Năm 2023, điều kiện sống của hộ tiếp tục được cải thiện. Trên toàn quốc, 98,6% hộ gia đình có nguồn nước hợp vệ sinh và 96,7% hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh, tăng lần lượt 0,3 điểm % và 0,5 điểm % so với tỷ lệ tương ứng năm 2022. Chất lượng nước sạch và hố xí hợp vệ sinh ở nông thôn đang được cải thiện nhanh chóng khiến khoảng cách về tiếp cận nước sạch và hố xí hợp vệ sinh của thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp.
Năm 2023, có 97,2% hộ sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố, chỉ có một tỷ lệ nhỏ hộ gia đình sống trong nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Trung du và miền núi phía Bắc là 2 vùng có tỷ lệ hộ sống trong nhà thiếu kiên cố và đơn sơ cao nhất cả nước (lần lượt là 7,4% và 7,9%). Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2023 đạt 27,8 m2, tăng 0,6 m2 so với năm 2022.
(4) Tỷ lệ hộ nghèo
Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 là 3,4% , giảm 0,8 điểm % so với năm 2022. Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (10,7%). Ngược lại, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước (0,3%).
Xét riêng về 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, các hộ gia đình Việt Nam năm 2023 thiếu hụt nhiều nhất về việc làm (39,4%), tiếp đến là trình độ giáo dục người lớn (32,4%), dinh dưỡng (22,8%) và bảo hiểm y tế (19,3%).
Hình 04. Tỷ lệ hộ thiếu hụt các chỉ số nghèo đa chiều năm 2023
Đơn vị tính: %
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu Khảo sát mức sống dân cư
(5) Bất bình đẳng
Hệ số GINI (theo thu nhập) của Việt Nam năm 2023 là 0,374, không thay đổi nhiều so với năm 2022 và vẫn giữ ở mức bất bình đẳng trung bình. Mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị (0,370 so với 0,345). Hai vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao là Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng là hai vùng có mức độ bất bình đẳng cao nhất (tương ứng 0,411 và 0,407), Đồng bằng sông Hồng là vùng có mức độ bất bình đẳng thấp nhất (0,335).
Kết luận
Năm 2023, đời sống dân cư phản ánh qua chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người vẫn tiếp tục duy trì tăng so với năm 2022, tuy nhiên tốc độ tăng chậm lại so với đà tăng năm 2022 do nền kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn để khắc phục hậu quả sau đại dịch. Bất bình đẳng trong xã hội vẫn còn tồn tại giữa các khu vực thành thị nông thôn, các vùng và giữa các nhóm người thu nhập thấp và nhóm người thu nhập cao. Do vậy, bên cạnh kết quả đạt được trong năm 2023, để đời sống dân cư tiếp tục được cải thiện trong năm 2024, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách an sinh xã hội; tạo việc làm cho người lao động và có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng khó khăn, người yếu thế hơn trong xã hội./.
Tỷ lệ phụ thuộc được tính bằng số người ngoài độ tuổi lao động chia cho số người trong độ tuổi lao động. Người trong độ tuổi lao động năm 2023 là từ 15-56 tuổi đối với nữ và 15-60 tuổi 9 tháng đối với nam.
Nguồn trang Thông tin điện tử Tổng cục Thống kê (www.gso.gov.vn)