báo cáo của Bộ Công Thương về : TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP VÀ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI THÁNG 4 NĂM 2024

báo cáo của Bộ Công Thương về : TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP VÀ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI THÁNG 4 NĂM 2024

BÁO CÁO CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
VÀ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI THÁNG 4 NĂM
2024

 

  1. BỐI CẢNH KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC

Năm 2024, phát triển kinh tế – xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng tiếp tục diễn ra trong bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong hai năm qua. Sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn của nước ta trong thời gian tới. Xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; Mỹ nâng cao và gắn các tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… với thương mại); Xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét. Xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét và đang định hình lại các hình thức, loại hình dự án FDI trên toàn cầu. Việc các nước đang tiến tới áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng nhất định đến dòng vốn đầu tư trực tiếp toàn cầu và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của mỗi nước. Đồng thời, đầu tư toàn cầu có xu hướng dịch chuyển mạnh sang lĩnh vực kỹ thuật số, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển nhanh và thay đổi bản chất của đầu tư xuyên biên giới. Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam đang khai thác có hiệu quả các Hiệp định FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu của nước ta đã và sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội và cả sức ép cạnh tranh mới…

Ở trong nước, năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ nặng nề là phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 và biến động địa chính trị toàn cầu. Trên cơ sở đánh giá toàn diện bối cảnh tình hình, Đảng và Chính phủ đã đề ra các định hướng và giải pháp cơ bản nhằm thực hiện mục tiêu của năm 2024 là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiên trì mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đặt ra thách thức cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong năm 2024.

Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Tình hình phát triển ngành Công Thương trong 4 tháng đầu năm 2024 như sau:

  1. HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI 4 THÁNG ĐẦU NĂM 2024
  2. Sản xuất công nghiệp

Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2024 ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện tăng 11,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,8%. Một số địa phương có IIP tháng 4/2024 tăng cao so với tháng trước như: Sơn La tăng 36,4%; Vĩnh Phúc tăng 17,6%; Thái Bình tăng 16,8%; Hà Giang tăng 14,2%; Kiên Giang tăng 12,5%; Bắc Kạn tăng 11,2%; Hòa Bình tăng 9,8%; Yên Bái tăng 9,6%; Sóc Trăng tăng 9,5%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%), đóng góp 5,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,2%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 6,2%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 4,6% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3,7%), làm giảm 0,7 điểm phần trăm.

Trong 4 tháng đầu năm, có 54 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 9 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá do: (i)  ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước (như Phú Thọ tăng 29,6%; Bắc Giang tăng 24,1%; Hà Nam tăng 15,5%; Bình phước tăng 15,2%); (ii) ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao so với cùng kỳ năm trước (như Khánh Hòa tăng 593,5%; Trà Vinh tăng 144,7%; Thanh Hóa tăng 30%). Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do: (i) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước (như Hà Tĩnh giảm 9,0%; Cà Mau giảm 5,6%, Gia Lai tăng 0,5%); (ii) ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm so với cùng kỳ năm trước (như Hòa Bình giảm 51,7%; Sơn La giảm 46,2%; Quảng Ninh giảm 23,7%; Lai Châu giảm 16,6%); (iii) ngành khai khoáng tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước (Hà Giang giảm 62%; Lâm Đồng tăng 1,8%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 24,7%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 24,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 17,3%; khai thác quặng kim loại tăng 16,9%; dệt tăng 14,5%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 13,6%; sản xuất kim loại tăng 13,0%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,3%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 9,1%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,0%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 2,7%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 15,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 9,6%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 5,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim khác giảm 2,4%; khai thác than cứng và than non giảm 1,2%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong bốn tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước: thép thanh, thép góc tăng 35,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 25,1%; phân u rê tăng 23,9%; thép cán tăng 20,2%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 15,7%; sữa bột tăng 11,8%; điện sản xuất tăng 11,4%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: khí hóa lỏng giảm 20,4%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 14,8%; tivi giảm 11,1%; sắt, thép thô giảm 4,5%; điện thoại di động giảm 2,8%; ô tô giảm 6,6%; xe máy giảm 4,5%; bia các loại giảm 5,3%; than sạch giảm 1,2%; thức ăn cho thủy sản giảm 0,8%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2024 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,4% so với cùng thời điểm năm trước (ngành chế biến, chế tạo tăng 1,3% và tăng 3,6%) cho thấy những tín hiệu tích cực trong phục hồi sản xuất.

  1. Về tình hình cung ứng điện

Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tháng 4 năm 2024 đạt 26,815 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 14,13% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia đạt 96,155 tỷ kWh, tăng 12,42% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 30,96% so với kế hoạch (310,6 tỷ kWh) được phê duyệt tại Quyết định số 924/QĐ-BCT ngày 19 tháng 4 năm 2024 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mua khô (các tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024.

Nhìn chung, tình hình cung ứng điện toàn hệ thống trong tháng 4 đầu năm 2024 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước. Trong tháng 4, công suất và sản lượng hệ thống điện quốc gia trong ngày đạt đỉnh tính từ đầu năm 2024, cụ thể: ngày 27/4/2024, công suất trong ngày của hệ thống điện quốc gia đạt 47.670 MW (cao hơn 4,83% so với công suất cực đại trong ngày hệ thống điện quốc gia năm 2023), ngày 26/4 sản lượng điện trong ngày hệ thống điện quốc gia đạt 987,39 triệu kWh (cao hơn 6,87% so với sản lượng cực đại trong ngày hệ thống điện quốc gia năm 2023).

Để đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN rà soát, cập nhật các yếu tố đầu vào như tốc độ tăng trưởng phụ tải điện, thời tiết (nhiệt độ, thủy văn), tiến độ nguồn-lưới điện, khả năng cung ứng nhiên liệu (than, khí, dầu), sự tăng trưởng mạnh của các nhóm ngành công nghiệp kết hợp với nhu cầu sử dụng điện tăng cao khi nền nhiệt độ tăng. Bộ Công Thương nhận định, tăng trưởng phụ tải điện nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn so với kịch bản được dự báo từ cuối năm 2023. Để đảm bảo cung cấp điện phù hợp với thực tế vận hành, ngày 19 tháng 4 năm 2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT về việc phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024 và Chỉ thị 05/CT-BCT ngày 28 tháng 3 năm 2024 về việc đảm bảo cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2024.

  1. Về xuất nhập khẩu hàng hóa

Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 4 tháng đầu năm đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Trong tháng 4/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,20 tỷ USD, mặc dù giảm 5,2% so với tháng trước nhưng tăng tới 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD, cụ thể như sau:

3.1. Về xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2024 ước đạt 30,94 tỷ USD, giảm 8,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,73 tỷ USD, giảm 6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,21 tỷ USD, giảm 8,9%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2024 tăng 10,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 11,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 10,1%.

Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 90,02 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 72,8%.

Trong 4 tháng đầu năm 2024 có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,8%).

– Về xuất khẩu các nhóm hàng:

Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 03 nhóm hàng, cụ thể:

+ Nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 11,98 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,69% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: cà phê tăng 57,9%; gạo tăng 36,5%; chè các loại tăng 25,5%; rau quả tăng 32,1%; nhân điều tăng 21,2%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 19,2%.

+ Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 104,65 tỷ USD, chiếm 85% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 63,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 34,9%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,7%; sắt thép các loại tăng 20,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 10%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 9,9%; hàng dệt và may mặc tăng 6,3%; giầy dép các loại tăng 5,7%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 6,6%…

+ Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 1,65 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2024:

Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong 4 tháng đầu năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 34,12 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 21,6%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt 17,96 tỷ USD, tăng 14,4% (cùng kỳ năm 2023 giảm 13%); thị trường EU ước đạt 16,35 tỷ USD, tăng 15% (cùng kỳ giảm 10,8%); Hàn Quốc ước đạt 8,36 tỷ USD, tăng 10,2%; Nhật Bản ước đạt 7,66 tỷ USD, tăng 4,6%.

3.2. Về nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2024 ước đạt 30,26 tỷ USD, giảm 2% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,21 tỷ USD, giảm 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,05 tỷ USD, giảm 1,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Tư tăng 19,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 24,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,5%.

Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 115,24 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 41,86 tỷ USD, tăng 19,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 73,38 tỷ USD, tăng 13,1%.

Trong bốn tháng đầu năm 2024 có 20 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 01 tỷ USD, chiếm 78,9% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 39,4%).

– Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu:

Chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch ước đạt 102,4 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của sản xuất và xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng khá cao. Riêng kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 31,3 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 27,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 12,1%. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng cao như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 27,6%; thép các loại tăng gần 25%; chất dẻo nguyên liệu tăng 12,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 12,8%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy tăng 18,9%; vải các loại tăng 5,4%…

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 6,15 tỷ USD. Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao như: hàng điện gia dụng và linh kiện, tăng 29,7%; rau quả tăng 15,1%.

– Về thị trường nhập khẩu hàng hóa:

Do sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu nên nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng cao nên kim ngạch nhập khẩu của nước ta trong 4 tháng đầu năm từ hầu hết các thị trường chủ lực đều tăng. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta trong 4 tháng đầu năm 2024 với kim ngạch ước đạt 41,57 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 36% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước; tiếp đến là nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc ước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 6,1%; ASEAN ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 16,9%; Nhật Bản ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 6,9%; EU ước đạt 5 tỷ USD, tăng 11,4%; Hoa Kỳ ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 4,6%.

3.3. Cán cân thương mại hàng hóa

Cán cân thương mại tháng 4/2024 tiếp tục thặng dư khoảng 0,68 tỷ USD. Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,66 tỷ USD). Trong đó, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 29,6 tỷ USD tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 11,4 tỷ USD, tăng 16,7%; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 209 triệu USD, giảm 41,8%.

Phân theo khu vực kinh tế, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,24 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,64 tỷ USD.

3.4. Về công tác phòng vệ thương mại

* Đối với công tác điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập nhẩu vào Việt Nam

Tính đến hết tháng 4 năm 2024, Việt Nam đã tiến hành điều tra tổng cộng 18 vụ việc chống bán phá giá (CBPG), 01 vụ việc chống trợ cấp (CTC), 06 vụ việc tự vệ và 02 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM (CLT).

Bộ Công Thương tiếp nhận và xử lý 05 hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp CBPG của ngành sản xuất trong nước, trong đó đã ban hành quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp CBPG với 02 vụ việc. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tiến hành 12 vụ việc rà soát các biện pháp CBPG, CTC và CLT đang được áp dụng theo quy định để đảm bảo các biện pháp được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ và đúng điều kiện, trong đó có 04 vụ việc rà soát nhà xuất khẩu mới, 05 vụ việc rà soát hàng năm và 03 vụ việc rà soát cuối kỳ.

Biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng từ tháng 7 năm 2016 của Bộ Công Thương và đã được gia hạn một lần kéo dài đến tháng 3 năm 2023. Sau quá trình rà soát, thu thập thông tin và đánh giá tác động toàn diện của vụ việc, ngày 21 tháng 3 năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 691/QĐ-BCT về việc gia hạn biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép dài nhập khẩu. Theo đó, sản phẩm thép dài nhập khẩu được gia hạn mức thuế tự vệ 6,3% từ ngày 22/3/2023 đến 21/3/2024; 6,2% từ ngày 22/3/2024 đến 21/3/2025 và 6,1% từ ngày 22/3/2015 đến 21/3/2026 và 0% từ ngày 22/3/2016 trở đi.

Bên cạnh biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng từ năm 2016, ngày 13 tháng 5 năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quy định số 1230/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép cuộn và thép dây nhập khẩu vào Việt Nam. Cùng với Quyết định 691/QĐ-BCT gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép dài nhập khẩu, căn cứ Kết luận rà soát cuối kỳ, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 693/QĐ-BCT về việc gia hạn áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩn thép cuộn và thép dây với mức thuế tương ứng như trong Quyết định 691/QĐ-BCT và mức thuế sẽ 0% từ ngày 22/3/2026.

* Đối với công tác ứng phó với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất nhẩu của Việt Nam

Tính đến hết tháng 4 năm 2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) từ 24 thị trường. Các mặt hàng bị điều tra tương đã đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra-basa, máy xịt rửa áp lực cao… đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong… Ngoài ra, Cơ quan điều tra nước ngoài cũng thường xuyên rà soát các vụ việc PVTM với quy trình và các yêu cầu điều tra có mức độ phức tạp tương tự các vụ việc điều tra mới.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các nước gia tăng điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây:

– Việt Nam vẫn tiếp tục tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng và gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa; mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn nhiều so với dự báo. Sự gia tăng về lượng và quy mô này đã tạo ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Do đó, các nước nhập khẩu nhận được nhiều yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất nội địa.

– Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã và đang tái cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam và xu hướng chung của thế giới. Hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm. Việt Nam đã dần phát triển nhằm tự chủ một số nền công nghiệp nền tảng để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Do đó, vô hình chung hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và biện pháp PVTM trở thành một trong số ít các công cụ còn lại mà nước nhập khẩu có thể sử dụng với mục đích hạn chế nhập khẩu.

– Việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với một số nước khác như Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a…, là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra PVTM hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế PVTM đối với các nước này. Trong năm 2023, Việt Nam phải ứng phó với nhiều vụ việc chống lẩn tránh thuế đến từ Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ; đặc biệt EU đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế với thép của Việt Nam sau một thời gian dài không tiến hành các vụ việc trực tiếp nhằm vào Việt Nam.

– Một số nước có xu hướng lạm dụng biện pháp PVTM để bảo hộ ngành sản xuất trong nước quá mức cần thiết. Các nước này sử dụng nhiều biện pháp, kỹ thuật điều tra chưa phù hợp với WTO và thông lệ quốc tế; tạo ra nhiều gánh nặng cho Chính phủ và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam trong quá trình tham gia hợp tác.

– Nhận thức của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong lĩnh vực PVTM còn hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực có hạn; vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong các vụ điều tra PVTM còn mờ nhạt, chưa phát huy được sức mạnh tập thể của doanh nghiệp.

Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý hiệu quả các vụ việc PVTM nước ngoài thông qua các hoạt động đa dạng như: (i) cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra PVTM để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý; (ii) trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; (iii) tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, định hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp; (iv) tiếp cận, trao đổi, tham vấn với Cơ quan điều tra của nước ngoài đưa ra quan điểm của ta về các khía cạnh pháp lý và thực tiễn của vụ việc; (v) xem xét khiếu nại các biện pháp PVTM của cơ quan điều tra nước ngoài nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO; (vi) thường xuyên tổ chức tuyên truyền, đạo tạo, cập nhật các chính sách, quy định pháp luật, thực tiễn điều tra PVTM để nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó của doanh nghiệp.

Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đã đem lại những kết quả tích cực, ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu; các doanh nghiệp được tiếp cận các thông tin PVTM một cách đầy đủ, kịp thời; được khuyến nghị tham gia và hầu hết các doanh nghiệp quan tâm không bị kết luận bất hợp tác dẫn tới mức thuế cao; Bộ Công Thương theo dõi sát quy trình điều tra của Cơ quan điều tra nước ngoài, thường xuyên có các lập luận pháp lý để phản biện khi phát hiện khả năng vi phạm WTO và thông lệ điều tra quốc tế; đảm bảo các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có cơ hội thực thi các quyền doanh nghiệp trong vụ việc PVTM.

  1. 4. Về thị trường trong nước

Thị trường hàng hóa tháng 4 sôi động hơn do có nhiều ngày nghỉ lễ, nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí tăng. Nguồn cung các hàng hóa được bảo đảm, đồng thời, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng của người dân. Giá một số hàng hóa nhóm lương thực, thực phẩm tương đối ổn định nhờ nguồn cung dồi dào, riêng giá lợn hơi tăng nhẹ. Các mặt hàng như đường, thức ăn chăn nuôi, nhóm nhiêu liệu, năng lượng tăng, giảm đan xen do ảnh hưởng của giá thế giới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 4/2024 ước đạt 522,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,9%; may mặc tăng 12,7%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 19,1%; du lịch lữ hành tăng 57,6%.

Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.062,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,7%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.594,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,4%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 14,9%; may mặc tăng 10,3%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 0,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 17,8%.

Trong 4 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 9,6%; Hải Phòng tăng 9,4%; Cần Thơ tăng 7,8%; Bình Dương tăng 7,7%; Đồng Nai tăng 6,9%; Đà Nẵng tăng 6,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,4%; Hà Nội tăng 5,3%.

* Về công tác quản lý thị trường (QLTT)

Lực lượng QLTT cả nước đã xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng và việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý, đặc biệt là đối với mặt hàng vàng, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của các đối tượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng. Đặc biệt, trước tình hình thị trường vàng diễn biến phức tạp, thực hiện Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 của Chính phủ về các giải pháp QLTT vàng và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát đấu tranh phòng, chống buôn lậu mặt hàng vàng. Theo đó, lực lượng QLTT cả nước đã đồng loạt ra quân kiểm tra, phát hiện xử lý nhiều vụ việc đối với mặt hàng vàng…

Theo báo nhanh của lực lượng QLTT cả nước, từ ngày 15/12/2023-25/4/2024, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 17.584 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách gần 200 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 80 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 67 vụ có dấu hiệu tội phạm. Riêng tháng 4 năm 2024, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 4.599 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách gần 45 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 15 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 13 vụ có dấu hiệu tội phạm.

  1. Về công tác quản lý mặt hàng xăng dầu

5.1. Tình hình giá xăng dầu thế giới

Trong tháng 4 năm 2024, thị trường xăng dầu thế giới chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như căng thẳng địa chính trị, chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+ đẩy giá dầu lên mặc dù tăng trưởng kinh tế chậm lại và tiêu thụ xăng dầu hạn chế tác động đến giá chững lại.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, giá dầu thô có diễn biến tăng là chủ yếu, dầu thô WTI từ 70,38 USD/thùng (ngày 02/01/2024) tăng lên mức đỉnh 86,910 USD/thùng (ngày 05/4/2024) rồi đi xuống, đứng ở mức 81,930 USD/thùng vào ngày 30/4/2024; dầu thô Brent từ 75,89 USD/thùng (ngày 02/01/2024) tăng lên mức đỉnh 91,170 USD/thùng (ngày 05/4/2024) rồi đi xuống, đứng ở mức 87,860 USD/thùng vào ngày 30/4/2024.

Giá thành phẩm xăng dầu thế giới bình quân (giao dịch trên thị trường Singapore) tại kỳ điều hành giá xăng dầu đầu tiên của năm 2024 (ngày 04/01/2024) là: 87,460 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92; 91,233 USD/thùng xăng RON95; 99,008 USD/thùng dầu hỏa; 96,798 USD/thùng dầu điêzen 0,05S; 438,895 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S. So với kỳ điều hành giá ngày 04/01/2024, giá thành phẩm xăng dầu thế giới bình quân (giao dịch trên thị trường Singapore) tại kỳ điều hành cuối cùng của tháng 4 năm 2024 (ngày 25/4/2024) là: 101,172 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 13,712 USD/thùng, tương đương tăng 15,68%); 105,582 USD/thùng xăng RON95 (tăng 14,349 USD/thùng, tương đương tăng 15,73%); 100,157 USD/thùng dầu hỏa (tăng 1,149 USD/thùng, tương đương tăng 1,16%); 100,892 USD/thùng dầu điêzen 0,05S (tăng 4,094 USD/thùng, tương đương tăng 4,23%); 511,045 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 72,150 USD/tấn, tương đương tăng 16,44%).

  5.2. Giá bán trong nước

Trong 4 tháng đầu năm 2024, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 17 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng có 10 lần tăng và 7 lần giảm giá, mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa có 9 lần tăng và 8 lần giảm giá, mặt hàng dầu mazut có 12 lần tăng và 5 lần giảm giá. So với kỳ điều chỉnh giá xăng dầu đầu tiên của năm 2024 (ngày 04/01/2024), tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu cuối cùng của tháng 4 năm 2024 (ngày 25/4/2024), giá mặt hàng xăng E5RON92 tăng 2.913 đồng/lít, tương đương tăng 13,87%; mặt hàng xăng RON95-III tăng 2.999 đồng/lít, tương đương tăng 13,68%; mặt hàng dầu diesel 0,05S tăng 1.348 đồng/lít, tương đương tăng 6,96%; mặt hàng dầu hỏa tăng 729 đồng/lít, tương đương tăng 3,65%, mặt hàng dầu mazut 180CST 3,5S tăng 1.913 đồng/kg, tương đương tăng 12,35%.

So với cùng thời điểm năm 2023 (kỳ điều hành ngày 21/4/2023), giá bán trên thị trường tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu cuối cùng của tháng 4 năm 2024 (kỳ điều hành ngày 25/4/2024) của mặt hàng xăng E5RON92 tăng 1.231 đồng/lít, tương đương tăng 5,43%; mặt hàng xăng RON95-III tăng 1.276 đồng/lít, tương đương tăng 5,40%; mặt hàng dầu diesel 0,05S tăng 1.319 đồng/lít, tương đương tăng 6,80%; mặt hàng dầu hỏa tăng 1.206 đồng/lít, tương đương tăng 6,19%, mặt hàng dầu mazut 180CST 3,5S tăng 1.565 đồng/kg, tương đương tăng 9,88%.

Giá bán các mặt hàng xăng dầu cuối tháng 4 năm 2024 (theo kỳ điều chỉnh giá ngày 25/4/2024): xăng RON92 ở mức 23.919 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 24.915 đồng/lít, dầu diesel 0,05S ở mức 20.716 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 20.686 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3,5S ở mức 17.408 đồng/kg.

5.3. Công tác điều hành giá các mặt hàng xăng dầu

Thời gian qua, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

  5.4. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Bộ Công Thương đã phối hợp Bộ Tài chính thực hiện việc điều hành giá xăng dầu, trích lập và chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu một cách linh hoạt, hợp lý, tạo dư địa để điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới khi diễn biến giá xăng dầu thế giới vẫn có xu hướng diễn biến phức tạp, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

  5.5. Công tác bảo đảm nguồn cung mặt hàng xăng dầu

Bộ Công Thương đã luôn theo dõi bám sát tình hình cung cầu, giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước để có phương án chỉ đạo bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Đầu năm 2024, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BCT ngày 02 tháng 01 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTG ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo để thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, như: chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu: thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-BCT ngày 02 tháng 01 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp và Thông báo số 01/TB-BCT ngày 03 tháng 01 năm 2024 của Bộ Công Thương thông báo Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị các doanh nghiệp bảo đảm kế hoạch sản xuất cung ứng xăng dầu; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao và kế hoạch thực hiện tổng nguồn hàng quý đã đăng ký với Bộ Công Thương, chủ động nguồn cung xăng dầu, thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống…; đề nghị Sở Công Thương các địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu tại địa phương, giám sát thời gian bán hàng, giá bán lẻ xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu dừng bán hàng không có lý do, gây thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu cục bộ trên địa bàn… Nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn luôn đươc đảm bảo trong giai đoạn trước trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn; chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý để đảm bảo không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường. Bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo số liệu báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhập khẩu và mua từ nguồn trong nước xăng dầu các loại Quý I/2024 ước khoảng 6,5 triệu m3/tấn. Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, sản lượng sản xuất xăng dầu các loại Quý I/2024 ước khoảng 3,7 triệu tấn. Ước lượng tiêu thụ nội địa xăng dầu các loại Quý I/2024 ước khoảng 6 triệu m3/tấn (bình quân khoảng 2 triệu m3/tấn/tháng). Tồn kho cuối Quý I/2024 khoảng 1,5-1,7 triệu m3/tấn, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

  1. Đánh giá chung

Nhìn chung, cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước đồng thời cho thấy kết quả rất khả quan trong 4 tháng đầu năm, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu của những kết quả trên là do:

– Hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm;

– Kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI giúp tăng năng lực sản xuất trong nước;

– Sự phục hồi của thị trường thế giới, dần chuyển sang trạng thái mới, thích ứng với những biến động lớn các năm 2022, 2023; số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng;

– Các kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại về kinh tế, đặc biệt với các đối tác thương mại lớn của nước ta như Mỹ, Trung Quốc… giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp;

– Năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (tín hiệu mới tích cực khi doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu gần gấp 2 lần doanh nghiệp FDI) và niềm tin được củng cố nhờ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và xu hướng phục hồi của thị trường thế giới;

Ngoài ra, kết quả trong 4 tháng đầu năm tăng cao phần nào còn do được so sánh với tình hình tăng trưởng thấp, thậm chí suy giảm mạnh của cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, sản xuất công nghệp và hoạt động thương mại của nước ta cũng còn tiềm ẩn những vấn đề cần theo dõi sát để kịp thời xử lý như:

– Sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện (còn 09/63 địa phương có IIP giảm); một số địa phương, trong đó có địa phương trọng điểm về sản xuất công nghiệp có IIP giảm (như Bắc Ninh giảm 5,5%); chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tại một số địa phương giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (Hòa Bình giảm 51,7%; Sơn La giảm 46,2%; Quảng Ninh giảm 23,7%; Lai Châu giảm 16,6%); một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (khí hóa lỏng giảm 20,4%; tivi giảm 11,1%; sắt, thép thô giảm 7,9%; linh kiện điện thoại giảm 7,2%; điện thoại di động giảm 2,8%);

– Tăng trưởng thị trường trong nước thấp hơn cùng kỳ năm trước (8,5% so với 13,3%); chỉ số giá tiêu dùng trong nước có thể tăng sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7 và điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới;

– Thị trường xuất khẩu tuy phục hồi nhưng chưa vững chắc; tỷ giá biến động khá mạnh trong tháng 4 đã tác động đến kế hoạch nhập khẩu, sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp; giá xuất khẩu một số nhóm hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, cà phê… tăng mạnh tuy giúp tăng giá trị xuất khẩu nhưng tiềm ẩn nguy cơ xáo trộn nguồn cung vì tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, nhà cung cấp chưa cao;

– Từ tháng 5 bước vào cao điểm nắng nóng, khô hạn trên diện rộng, dẫn đến nhu cầu điện, xăng dầu tăng đột biến (lũy kế 4 tháng sản lượng điện đã tăng tới 12,3% so với cùng kỳ (vượt kịch bản cao 8-9% được dự báo cuối năm 2023), một số khu vực tăng sản lượng đến 35-36%);

– Dự báo lạm phát còn ở mức cao do FED buộc phải lùi kế hoạch giảm lãi suất, tổng cầu phục hồi chậm so với kỳ vọng (kinh tế Mỹ trong quý I/2024 tăng trưởng chậm nhất trong gần hai năm);

– Chiến sự, điểm nóng trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường;

Nhiều nước áp dụng các biện pháp thu hút đầu tư về nước như Mỹ, Hàn Quốc, EU làm tăng sức ép cạnh tranh vốn đầu tư trong bối cảnh thực hiện cam kết thuế tối thiểu toàn cầu.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG CÁC THÁNG TIẾP THEO

  1. Bối cảnh trong nước và quốc tế

Tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, tháng 4/2024) đánh giá nền kinh tế toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ. IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 3,2% trong năm 2024 và 2025; theo đó, mức dự báo tăng trưởng năm 2024 được điều chỉnh tăng 0,1% so với dự báo tháng 01/2024. Tuy nhiên, theo dự báo của Liên hợp quốc (UN) và Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 cùng đạt mức 2,4%, thấp hơn lần lượt 0,3 và 0,2 điểm phần trăm so với năm 2023. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 2,9%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm; Liên minh châu Âu (EU) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 3,3%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm.

Tăng trưởng kinh tế tại một số nền kinh tế lớn, là đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc diễn biến trái chiều trong quý I/2024. Kinh tế của Mỹ tăng trưởng 1,6% trong quý I/2024, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 2,4% trước đó và là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ quý II/2022 (tăng trưởng quý IV/2023 là 3,4%); tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Mỹ tăng tốc trong tháng thứ hai liên tiếp, đạt 3,5% vào tháng 3/2024, mức cao nhất kể từ tháng 9/2023 tăng từ mức 3,2% vào tháng 02/2024. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ trong quý I/2024, tiếp nối mức tăng trưởng 5,2% trong giai đoạn trước, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý II/2023. Giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 3/2024 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2023, giảm đáng kể so với mức tăng 0,7% trong tháng 02/2024; Tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng ở khu vực đồng Euro đạt mức 2,4% so với cùng kỳ vào tháng 3/2024, gần mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).

Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức, sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới. Các tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam 2024 có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2023. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam sẽ được duy trì ở mức 6%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm 2024 đạt 5,8%. WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 là 5,5% và tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, chính sách tài chính và tiền tệ trong nước của Việt Nam đã hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, theo đó, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7,0% vào năm 2025. Chính phủ cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực là động lực cho tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào sẽ góp phần kiểm soát lạm phát.

Nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ có cả những thuận lợi và đối mặt với những thách thức như sau:

Về thuận lợi: (i) Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác/thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư; (ii) Nhu cầu thị trường thế giới nói chung và khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024 (ECB và FED – 2%); (iii) Việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu; (iv) Các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cũng như dành nhiều hỗ trợ tín dụng và công nghệ đối với Việt Nam…

Về khó khăn: (i) Kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định; sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn; (ii) áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá sẽ chậm lại nhưng vẫn ở mức cao; xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát; (iii) rủi ro gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu; (iv) an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán… tiếp tục là các vấn đề cần quan tâm; (v) Xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác; (vi) Xu hướng phi toàn cầu hoá đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Việc các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn/quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu; (vii) Việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Băng-la-đét… sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam…

Như vậy, mặc dù các kết quả trong 4 tháng đầu năm 2024 rất khả quan nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn. Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, trong thời gian tới ngành Công Thương sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ như sau:

  1. Nhiệm vụ chung

– Tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ.

– Tập trung triển khai các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để khuyến khích đầu tư, phát triển các dự án trọng điểm, tạo đà tăng trưởng công nghiệp những năm tiếp theo.

  1. Một số nhiệm vụ cụ thể

(i) Về sản xuất

– Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản…;

– Theo dõi sát tình hình phụ tải điện và diễn biến thời tiết, thủy văn để kịp thời ứng phó theo các kịch bản đã được Bộ chủ động xây dựng cho từng Quý, từng tháng 2024; đảm bảo cung ứng điện trong mọi tình huống;

(ii) Về bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, phát triển thị trường trong nước

– Tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.

– Tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước (như: Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030…).

– Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá.

– Phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

– Phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài Bộ chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.

– Phối hợp triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại (tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong giai đoạn 2021-2025; mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11856) về chợ kinh doanh thực phẩm…).

(iii) Về xuất nhập khẩu hàng hóa

– Theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu;

– Khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu;

Phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu;

– Tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương; Chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước;

– Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam;

– Tiếp tục đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ;

– Tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp./.

Nguồn: “Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương”