Vừa qua, Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) Báo chí & Truyền thông Xanh – bà Văn Thị Minh Hoa có buổi gặp gỡ làm việc thảo luận về xu hướng phát triển bền vững cùng nhóm sinh viên thuộc lớp 23KMT trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.
Hội thảo Green Z – Giáo dục thanh thiếu niên về công lí môi trường được thực hiện với mục đích nhằm tạo cơ hội cho thanh thiếu niên được học hỏi, thay đổi nhận thức và hiểu được nghĩa vụ của họ về môi trường từ góc nhìn của chuyên gia.
Thế hệ trẻ hiện nay thể hiện mối quan tâm và trách nhiệm của mình từng ngày bằng nhiều cách, trong đó rõ rệt nhất là qua những chiến dịch về môi trường. Trong những năm gần đây, người trẻ Việt được chứng kiến ngày càng nhiều những trào lưu hướng đến môi trường, như “giảm thiểu rác thải nhựa”, “ống hút tre”, và “mang bình nước riêng để được giảm giá.” Điều này không chỉ nhắc nhở về tác hại của rác thải nhựa lên nhiều khía cạnh đời sống, mà còn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Thời gian qua, các chiến dịch dọn dẹp bãi rác nở rộ khắp mạng xã hội. Rất nhiều hình ảnh so sánh thành quả đáng kinh ngạc khiến các bạn trẻ càng thêm tự hào và hăng hái với những hành động thiết thực tương tự.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc các chiến dịch thì tại những địa điểm được dọn sạch trước đó xảy ra tình trạng “rác vẫn hoàn rác”. Phải chăng điều cần thay đổi trước hết không phải là dọn dẹp môi trường mà là chỉnh sửa ý thức và trách nhiệm của con người đối với môi trường.
Dưới vai trò của một diễn giả và một chuyên gia có nhiều năm làm việc về môi trường, bà Văn Thị Minh Hoa chia sẻ tại sự kiện: “Mỗi bạn trẻ hãy trở thành một KOLs/KOC trên chính trang mạng xã hội của mình để lan tỏa những thông điệp, hành động đẹp về bảo vệ môi trường. Thực hiện từ những điều nhỏ nhất như tiết kiệm đồ ăn, thức uống, không ngần ngại tái sử dụng những chai nước nhựa trước khi phân loại rác thải để tái chế”.
17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG) được Liên Hợp Quốc thông qua năm 2015 được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu, nhằm hướng tới xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030.
Tại Việt Nam, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể. Sau đó, Quyết định số 681/QĐ-TTg về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 đã được ban hành ngày 04/6/2019. Gần đây nhất là Nghị quyết Về phát triển bền vững (Nghị quyết số 136/NQ-CP), được ban hành ngày 25/9/2020.
Hải Ngọc