Ngày 30/11, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu, Đổi mới và Tư vấn (RICH); Hiệp hội Truyền thông Kỹ thuật số Việt Nam (VDCA) và Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông Singapore (ATIS) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế.
Hội thảo tập trung bàn về các vấn đề liên quan tới hệ sinh thái dịch vụ kinh doanh Việt Nam – Singapore, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là các vấn đề rất thời sự và phù hợp với mục tiêu phát triển của TPHCM.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Với vai trò của Liên hiệp hội (LHH) thông qua trung tâm RICH có chức năng kết nối khoa học công nghệ – doanh nghiệp – chính quyền, chúng tôi luôn sẵn sàng tạo điều kiện để sự hợp tác kinh doanh Việt Nam – Singapore thành công. Tôi tin tưởng rằng sau chuỗi hội nghị lần này các doanh nhân và các nhà lãnh đạo từ Singapore và Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ hơn và có định hướng để thiết lập sự hợp tác với từng đối tác kinh doanh cụ thể”.
Theo Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030: TPHCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học – công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Do vậy, cùng với việc phát huy nội lực, tự lực tự cường, thành phố cần thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại và có kết nối chặt chẽ với nền kinh tế trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ kết nối DN Việt Nam và DN nước ngoài.
Cũng tại hội thảo, bà Betty Pallard – CEO LinkPower phát biểu về tầm quan trọng của hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và bền vững.
“Nhiều công ty hiện đang tích cực nỗ lực giảm lượng khí thải carbon bằng cách triển khai các công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Điều này liên quan đến việc theo dõi và giảm thiểu lượng khí thải từ các hoạt động vận hành, vận chuyển và sản xuất. Bên cạnh đó, các công ty đang ngày càng xem xét kỹ lưỡng chuỗi cung ứng của mình để đảm bảo rằng việc sản xuất và tìm nguồn cung ứng nguyên liệu có trách nhiệm với môi trường.
Việc tích cực giảm lượng khí thải carbon không chỉ góp phần vào sự bền vững môi trường mà còn có thể trở thành một hoạt động kinh doanh sinh lợi. Đáng chú ý, Việt Nam có tiềm năng đáng kể trong việc tạo ra tín chỉ carbon, đặc biệt là trong lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp” – bà Betty Pallard nói.
Đề cập về vấn đề triển khai ESG cho các DN, chuyên gia quốc tế, cố vấn CLB Báo chí & Truyền thông Xanh, ông Thái Trần – CEO Hà Nam, nhận định: “Vì sự phát triển trong tương lai, thậm chí là vài thế hệ nữa thì ngay bây giờ các DN cần phải thực hiện ESG. Cần lên kế hoạch triển khai tiêu chuẩn ESG, dự toán chi phí đề bắt đầu một lộ trình mới, nghiên cứu chuyển từ CSR sang ESG như thế nào,…”.
Tầm quan trọng của ESG trong thế giới kinh doanh đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Tiêu chuẩn ESG dành cho các DN đề cập tới các khía cạnh: sự tác động của DN đến môi trường như lượng khí thải carbon, sử dụng tài nguyên, quản lý chất thải và tính bền vững môi trường tổng thể; đánh giá mối quan hệ của DN với nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và cộng đồng nơi DN hoạt động; quản trị quá trình phát triển của DN về tính minh bạch và việc tuân thủ các hoạt động kinh doanh có đạo đức.
Liên hiệp các hội KH&KT TPHCM được thành lập từ năm 1986, có nhiệm tập hợp đội ngũ trí thức của thành phố để thực hiện nhiêm vụ tư vấn, phản biện các vấn đề trọng điểm của thành phố về mặt khoa học và phổ biến kiến thức khoa học đến các tầng lớp nhân dân. Hiện nay đã có 46 hội thành viên với hơn 60.000 hội viên có trình độ chuyên môn cao, đa ngành đa lĩnh vực và 8 đơn vị trực thuộc trong đó có RICH – là một đơn vị năng động và đã hoạt động rất hiệu quả trong các năm qua.
Hải Ngọc